Đừng nghĩ game thủ là sướng, chỉ việc ngồi chơi game và game, đằng sau đó là biết bao sự hi sinh, đánh đổi bản thân vì đam mê.

Trong sự tĩnh lặng, Lee “Flash” Young Ho, huyền thoại StarCraft: Brood War, vén cao áo và để lộ ra vết sẹo kéo dài từ khuỷu tay lên đến bả vai.
Huyền thoại StarCraft: Brood War, Lee "Flash" Young Ho
“Công ty chúng tôi chi trả toàn bộ chi phí cho cuộc phẫu thuật này. Cậu ấy là game thủ StarCraft xuất sắc nhất mọi thời đại, người đã từng giành mọi danh hiệu cao quý nhất và đến giờ vẫn chưa có ai có thể so sánh nổi.” HLV của Lee Young HoKang Doh Kyung chia sẻ.
“Tôi tự hào khi mang trên mình vết sẹo này.” Flash nói.
Thật vậy, để có được những thành công như ngày hôm nay, Flash cũng như vô số game thủ khác ở Hàn Quốc đã phải đánh đổi rất nhiều thứ, từ cuộc sống cá nhân cho tới chính sức khỏe, cơ thể mình. Và theo như HLV Kang tự hào nói, họ không chỉ đơn thuần là game thủ, họ là những vận động viên thực thụ. Và với một vận động viên thực thụ, chấn thương là điều không thể tránh khỏi.
Những âm thanh của bàn phím
Thể thao điện tử là một ngành công nghiệp giải trí vô cùng phát triển tại Hàn Quốc. Trên thế giới chẳng có nơi nào mà Chính phủ lập ra cả một hiệp hội chuyên phụ trách phát triển ngành nghề này.
Giống như bóng đá, các trận đấu thể thao điện tử đều được tường thuật trực tiếp trên khắp các kênh sóng với những phân tích, nhận định bằng cả tiếng Anh và tiếng Hàn. Những game thủ nổi tiếng có thể kiếm tới hàng trăm nghìn bảng mỗi năm, từ tiền thưởng cho tới những hợp đồng tài trợ.
Theo như Flash, thành viên đội StarCraft của tổ chức KT Rolster, một trong những tổ chức thể thao điện tử lớn nhất Hàn Quốc, chia sẻ thì vết sẹo đó là cái giá phải trả cho việc đứng trên đỉnh cao suốt 10 năm.
“Khi mà con người ta đam mê mãnh liệt một thứ gì đó, họ sẽ làm tất cả và sẵn sàng phá vỡ mọi rào cản, giới hạn. Cơ thể họ sẽ thường xuyên rơi vào trạng thái quá tải, mệt mỏi và tồi tệ. Cho dù có tập luyện thể dục thể thao nhưng rất nhiều trong số đó vẫn mắc phải những bệnh về tim mạch.” HLV Kang nói.

Trong căn phòng nhỏ, mỗi người được nhận một “khu” riêng và trong một khoảng thời gian dài, chỉ có tiếng cạch-cạch-cạch từ bàn phím vang lên. Họ đeo tai nghe và im lặng tập luyện như vậy hàng giờ liên tục.
“Tôi tin rằng thể thao điện tử có nhiều tiềm năng để phát triển chẳng kém gì thể thao truyền thống, dù rằng đây không phải là hoạt động thể chất thuần túy. Thể thao điện tử đang từng bước trở thành một bộ môn thể thao trí tuệ tương tự như cờ vua."
“Họ là những cậu bé đáng ngưỡng mộ”
Cách đấy không xa, ngay trong cùng tòa nhà là nơi tập luyện của đội tuyển LMHT KT Rolster. Không giống như các game thủ StarCraft, thành viên đội LMHT có vẻ như thoải mái và vui vẻ hơn nhiều. Họ thường xuyên đùa giỡn với nhau về những lần đi chơi, nhậu nhẹt và cả việc so sánh xem ai nhận được nhiều quà hơn.
Những chàng trai trẻ tuổi và rất nhiều trong số đó chưa bước sang tuổi 20 sống và luyện tập với nhau dưới cùng một mái nhà. Ngỡ như trong căn phòng một game thủ sẽ tràn ngập những phương tiện giải trí, những máy chơi game, nhưng không. Bên cạnh chiếc TV, gần như không có bất cứ đồ công nghệ nào khác.
“Phần lớn thời gian họ chỉ ngồi tập luyện và không làm bất cứ việc gì khác. Vì vậy tôi luôn phải rất chú ý khẩu phần ăn sao cho phù hợp với từng người. Họ còn rất trẻ và rất dễ sa đà vào những món ăn nhanh. Những cậu bé này rất dễ thương và đáng khâm phục."  Người giúp việc và cũng là người chăm sóc cho cả đội KT Rolster chia sẻ.
“Những con nghiện game?”
Cho dù luôn phải căng mình ra tập luyện với những lịch trình kín đặc, tuy vậy trên khuôn mặt của từng người vẫn toát lên vẻ hạnh phúc. Đối với họ đây không chỉ đơn thuần là đam mê, nó còn là công việc giúp họ nuôi sống chính bản thân mình. Và họ hạnh phúc khi được làm việc mình yêu thích.
Nhưng đó là những game thủ chuyên nghiệp, những người được trả tiền để chơi game, vậy còn biết bao thanh niên khác thì sao?
Trên mỗi khu phố tại Seoul đều mọc lên rất nhiều PC Bang. Chúng ta có hiểu đơn giản đó là những “quán net” cấp độ cao. Nơi đây là một không gian rộng lớn với đầy đủ những phương tiện để chơi game được mở 24/7. Thậm chí có những “quán” còn có hẳn một khu riêng để các game thủ ăn uống sau những giờ “chiến đấu” căng thẳng.
Chúng ta hẳn đã từng nghe về những vụ “đột quỵ trên bàn phím”, dù ít nhưng vẫn tạo nên một hiệu ứng toàn cầu. Sau nhiều năm phát triển tự do, Chính phủ Hàn Quốc đã thông qua đạo luật “Shutdown Law” (tạm dịch Sự kết thúc). Với đạo luật này, những đứa trẻ từ 16 tuổi trở xuống sẽ không được phép chơi game trong khoảng 22h30 đến 6h. Dù phát triển rất mạnh nhưng cũng như tất cả khu vực khác, các bậc phụ huynh tại Hàn Quốc đều không muốn con em mình chơi game cũng như dấn thân vào con đường này.
Thể thao điện tử chuyên nghiệp đang tàn phá sức khỏe game thủ từng ngày. Liệu rằng đây là một ngành công nghiệp giải trí tiềm năng hay là một vấn nạn xã hội? Câu trả lời là của các bạn.

>>‘Soi’ biểu cảm ngộ nghĩnh của SKT Bengi khi thi đấu


Facebook Google twitter
Từ khóa: Game thủ Hàn Quốc đánh đổi bản thân để đến với đam mê